Hot News
Loading...

Phản ứng của Mỹ khi TQ hiện đại hóa quân sự

Phản ứng Mỹ khi TQ hiện đại hóa quân sự

Hải quân Mỹ đang phát triển các vũ khí mới cho tàu sân bay và những máy bay đi kèm. Máy bay không người lái cho tàu sân bay cũng đang được xây dựng.

 

Năm 2004, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã công bố một học thuyết quân sự mới kêu gọi các lực lượng vũ trang thực hiện “sứ mệnh lịch sử mới” để đảm bảo “những lợi ích quốc gia”. Quan chức quân sự và chuyên gia Trung Quốc nói rằng, các lợi ích ấy bao gồm đảm bảo những tuyến đường vận chuyển quốc tế và tiếp cận nguồn dầu khí nước ngoài cũng như bảo vệ công dân làm việc ở nước ngoài.

Lúc đầu, quá trình tăng tốc quân sự của Trung Quốc có vẻ diễn biến chậm. Sau đó bắt đầu xuất hiện các cảnh báo tại Washington. Trong một cuộc thử nghiệm năm 2007, Trung Quốc đã bắn hạ một trong số các vệ tinh thời tiết cũ của họ, thể hiện rõ khả năng có thể phá hủy các vệ tinh quân sự Mỹ đảm bảo thông tin liên lạc giữa tàu chiến và máy bay, nhắm tới các căn cứ trên đất liền Trung Quốc trong tình huống xảy ra xung đột.

J-20 cho phép Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công ở khoảng cách xa. Ảnh: theaustralian

Lầu Năm Góc phản ứng bằng nỗ lực được xem là để bảo vệ các vệ tinh Mỹ bằng các vũ khí như tên lửa hay lade. Một năm sau khi Trung Quốc thử nghiệm thiết bị chống vệ tinh, Mỹ đã chứng minh khả năng riêng của mình khi thổi bay vệ tinh do thám không còn hoạt động với hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo sửa đổi.

Chạy đua vũ trang

Năm ngoái, cuộc đua vũ trang đã mạnh hơn. Trong tháng 1, chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với mục đích “hàn gắn” quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của một loại máy bay chiến đấu mới, tránh được rađa. Máy bay này gọi là J-20, cho phép Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công ở khoảng cách xa.

Tàu sân bay mà Trung Quốc trình làng tháng 8 được nâng cấp từ một tàu cũ mua của Ukraine. Lầu Năm Góc dự kiến Trung Quốc bắt tay làm ra phiên bản của chính mình, để có thể hoạt động sau năm 2015 - không lâu sau khi siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford đi vào phục vụ.

Các nhà hoạch định quân sự Mỹ thậm chí còn lo lắng hơn về tốc độ hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Những con tàu mới hơn có thể lặn sâu, lâu hơn và yên lặng hơn so với các phiên bản trước. Năm 2006, một tàu ngầm Trung Quốc đã nổi lên ngay giữa một nhóm tàu Mỹ, và không hề bị phát hiện cho tới khi lên đến mặt nước.

Xác định các khả năng chiến tranh điện tử của Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào công nghệ ảo, và các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng, những hacker Trung Quốc đã tấn công vào mạng lưới quốc phòng Mỹ. Bắc Kinh phủ nhận liên quan.

Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã đi kèm với thay đổi trong lời lẽ của các bộ phận quân sự. Quan chức quân sự Trung Quốc theo đường lối cứng rắn và giới phân tích từ lâu đã cáo buộc Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc trong “chuỗi đảo thứ nhất” bao gồm Nhật Bản và Philippines, cả hai đều có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Giờ đây, họ nói về chuyện cần đẩy Mỹ trở lại xa như ở Hawaii và đảm bảo để hải quân Trung Quốc hoạt động tự do ở tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.

"Mỹ có 4 đồng minh quan trọng trong chuỗi đảo đầu tiên, và cố gắng chèn ép con rồng Trung Quốc trở thành con sâu Trung Quốc”, tướng Lạc Nguyên, một trong những nhà bình luận quân sự mạnh mẽ nhất của Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 9.

Nỗ lực tăng tốc quân sự của Trung Quốc còn cả chặng đường dài phía trước để có đủ sức mạnh đánh bại Hải quân Mỹ trong tình huống đối đầu. Theo quan chức Mỹ, chiến lược Trung Quốc là trì hoãn sự tiếp cận của các lực lượng quân sự Mỹ đủ để họ nắm quyền kiểm soát các hòn đảo hay vùng biển tranh chấp.

Về công khai, các lãnh đạo Lầu Năm Góc như ông Gates và Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đều nói, Mỹ cần duy trì mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Trung Quốc. Nhưng ở góc độ riêng tư, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong kế hoạch quân sự Mỹ. Trong năm 2008, quân đội Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận có tên Tầm nhìn Thái Bình Dương - chủ yếu để kiểm tra các khả năng đối đầu với một “đối thủ gần tương xứng” ở Thái Bình Dương. Cụm từ này được hiểu rộng rãi trong quân đội là chỉ Trung Quốc.

Biện pháp Mỹ

"Động lực thúc đẩy tôi là xem xét toàn bộ vùng tây Thái Bình Dương”, tướng không quân về hưu Carrol "Howie" Chandler nói. “Và không có gì bí mật rằng, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào những nguồn lực để vượt qua các lợi thế của chúng tôi ở Thái Bình Dương”.

Các cuộc tập trận kiểm tra khả năng của Mỹ khi thực hiện sức mạnh không quân trong khu vực, cả ở các căn cứ đất liền cũng như từ tàu sân bay, để chiến đấu ở Thái Bình Dương và đối phó với các vũ khí mới của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ cũng đang phát triển các vũ khí mới cho tàu sân bay và những máy bay đi kèm. Trên siêu tàu Ford mới, bộ phóng được thiết kế cho phép máy bay cất cánh nhanh hơn. Máy bay không người lái cho tàu sân bay cũng đang được xây dựng, giúp tàu sân bay Mỹ hoạt động hiệu quả ở khoảng cách xa hơn. Đây được coi là bước đột phá.

Không quân thì muốn máy bay ném bom tầm xa hơn sử dụng ở khắp Thái Bình Dương. Các máy bay chiến đấu của hải quân và không quân có tầm tương đối ngắn. Nếu không có tiếp dầu giữa không trung, thì các máy bay của tàu sân bay hiện tại có tầm hoạt động hiệu quả vào khoảng 575 dặm.
Các nhà chiến lược quân sự Mỹ đánh giá, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa có điều khiển của Trung Quốc sẽ có khả năng khiến các tàu sân bay Mỹ ở xa hơn bờ biển của họ. "Khả năng hoạt động từ khoảng cách xa sẽ là nền tảng cho chiến lược tương lai của chúng tôi ở Thái Bình Dương”, Andrew Hoehn, phó chủ tịch tại Rand nói.

Mỹ cũng đang cân nhắc những căn cứ mới trên đất liền để phân tán lực lượng của họ ở khắp khu vực. Tổng thống Obama gần đây tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng các căn cứ mới ở Australia, bao gồm một cảng lớn tại Darwin. Rất nhiều căn cứ có thể không có sự hiện diện thường trực của Mỹ, nhưng trong tình huống có xung đột, Mỹ có thể sử dụng máy bay ở đây.

Trong bối cảnh Trung Quốc đạt nhiều tiến bộ quân sự còn ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm, một số quan chức quân sự Mỹ bắt đầu tự hỏi rằng, liệu đã tới lúc phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc chiến lược quốc gia vào các tàu sân bay kiểu như USS Ford. Một vụ tấn công vào tàu sân bay có thể làm tổn hại sinh mạng của cả 5.000 thủy thủ - nhiều hơn cả số quân tử nạn trong cuộc chiến ở Iraq.

Thái An (theo Wall Street Journal)

Share on Google Plus

About Anonymous

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment


♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.