Hot News
Loading...

EVN thời ông Hưng: từ lãi lớn đến thua lỗ

Cái nhìn đa chiều về ông Đào Văn Hưng

Dưới thời ông Đào Văn Hưng, EVN từ lãi lớn đến thua lỗ và có nhiều thương vụ lớn thất bại. Thế nhưng, ông này từng được coi là một nhà quản lý giỏi.

Ông Đào Văn Hưng, nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ tháng 8/1998 đến tháng 6/2000. Tháng 7/2000, ông Hưng giữ chức tổng giám đốc trong 6 năm và trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT từ năm 2006 đến tháng 2/2012.

Tính từ năm 1995 đến năm 2008, lợi nhuận của EVN đạt gần 32.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 38.000 tỷ, giá trị tài sản cố định đến cuối năm 2008 đạt hơn 192.000 tỷ, tăng gần gấp 7 lần năm 1995. Năm 2008, doanh thu EVN đạt hơn 67.500 tỷ đồng, tăng khoảng 800% so với năm 1995.

Cựu chủ tịch này cùng nhiều lãnh đạo chèo lái EVN đã từng được cố Bộ trưởng Bộ Điện lực Phạm Khai khen ngợi :"Đó là những nhà quản lý giỏi, được đào tạo từ thực tế. Chúng ta cần liên tục đào tạo một cách hệ thống những lớp quản lý trẻ mới, có tri thức, có trình độ như vậy. Điện lực VN cần những con người như thế, đây là một bước đi đúng hướng".

Tuy nhiên, trong 2-3 năm trở lại đây, Tập đoàn Điện lực bắt đầu nhận sự phán xét khá khắt khe của dư luận, còn ông Hưng bị chê "điều hành yếu". EVN gặp không ít lời đàm tiếu về chuyện đầu tư ngoài ngành, nợ nần và làm ăn thua lỗ, trong đó xôn xao nhất phải kể đến hoạt động kém cỏi của Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telcom).

EVN Telecom là khoản đầu tư sai lầm lớn dưới thời ông Đào Văn Hưng. Ảnh: T.S

Theo báo cáo của kiểm toán, Tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào EVN Telcom, với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 giảm tới 42% so với năm 2009. Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Kết quả trên còn chưa tính toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008. Các khoản này được EVN chuyển cho các tổng công ty điện lực trực thuộc, số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành lớn với 3,27% vốn chủ sở hữu, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính.

EVN liên tiếp bị lỗ trong năm hai năm gần đây. Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng chủ yếu do năm 2010, các nhà máy thủy điện thiếu nước nên EVN phải huy động nhà máy điện chạy dầu và mua điện ngoài hệ thống với giá cao cấp 3-4 lần giá bán bình quân. Bước sang năm 2011, EVN cũng bị lỗ tới 3.500 tỷ đồng.

Không chỉ bị lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nợ hàng loạt "ông lớn". Theo tính toán, số tiền mànhà đèn nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các hợp đồng mua bán điện lên gần 10.000 tỷ đồng. Thậm chí Điện lực Hiệp Phước (một đơn vị bán điện cho EVN) cho biết còn dọa cắt điện vì EVN không thanh toán khoản nợ hàng trăm tỷ đồng.

Câu chuyện nợ nần của ngành điện được nhắc đến hồi tháng 4 và hầu như trong các cuộc giao ban của Bộ Công Thương luôn được đề cập. Lãnh đạo EVN nhiều lần phải "rát mặt" vì bị thúc nợ song chưa lần nào chính thức công khai về kế hoạch dàn xếp. Nhà đèn cũng thẳng thắn cho biết do phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và đang "rất hoàn cảnh" nên chưa thể trả được.

Trước thế giằng co, lãnh đạo Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phải chính thức lên tiếng yêu cầu EVN phải ưu tiên trả nợ cho điện lực Hiệp Phước. Đích thân Bộ trưởng yêu cầu Cục điều tiết điện lực, Vụ năng lượng phải vào cuộc phân xử.

EVN vẫn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ra ngoài ngành. Ảnh: Hoàng Hà.

Tháng 7/2010, cựu chủ tịch Đào Văn Hưng lại gây xôn xao với tuyên bố "có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được" trước câu hỏi về việc EVN liên tục cúp điện.

Trong thời gian làm Chủ tịch EVN, ông Hưng cũng kiêm rất nhiều chức vụ làm đại diện phần vốn góp của tập đoàn tại nhiều công ty con và được hưởng các khoản thu nhập lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến vị cựu lãnh đạo này chịu nhiều tai tiếng. Trả lời báo chí về khoản thu nhập "khủng" mà Chủ tịch EVN nhận được từ các công ty con, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc tập đoàn này cho biết, tất cả các khoản thù lao được nhận nhờ chức danh kiêm nhiệm ở các đơn vị EVN góp vốn thì người đại diện vốn phải nộp về tập đoàn vào một quỹ chung.

Sau đó, EVN căn cứ vào hoạt động của từng công ty để chia khoản thù lao này cho những người đại diện đó căn cứ theo nhiệm vụ hoàn thành của từng năm. Với những người hoạt động tốt thì sẽ được thưởng từ nguồn cổ tức đưa về tập đoàn.

Trong số các chức danh là người đại diện vốn ở các công ty con, phải đến tháng 5/2011, ông Hưng mới thôi giữ chức thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình khi có quy định mới về việc thành viên HĐQT của tập đoàn nhà nước không được kiêm nhiệm chức danh quản lý tại doanh nghiệp thành viên.

Trao đổi với VnExpress.net, một nguồn tin từ EVN chia sẻ, dư luận cần công tâm hơn khi đánh giá kết quả hoạt động của tập đoàn cũng như ông Đào Văn Hưng. Vị này tâm sự, trong bối cảnh khó khăn, EVN vẫn làm được nhiều thứ đáng tự hào như cung ứng điện đầy đủ, đảm bảo hoạt động cho cả nền kinh tế xã hội. Ngành điện đã đưa điện về nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo đó, 96% hộ dân nông thôn, 100% số huyện, trên 98% các xã có điện, một tỷ lệ cao hơn nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines. "Đây chính niềm tự hào của Tập đoàn điện lực Việt Nam, nhưng ít được ai ghi nhận", ông chia sẻ.

Theo ông này, để đảm bảo cung ứng điện, EVN phải nỗ lực rất lớn. Từ giai đoạn 2005- 2010, ngành điện đầu tư 202.000 tỷ vào nguồn và lưới điện, đưa vào vận hành 10.000 MW công suất nguồn. "Con số này là kết quả đáng mừng, thể hiện sự cố gắng của EVN, vì chỉ trong 5 năm đã bằng cả giai đoạn năm 2005 trở về trước", vị này nói.

Xung quanh chuyện lỗ, cũng là có lý do. Theo ông, đây là lỗ do chinh sách, do giá bán điện thấp hơn giá thành. Ông chia sẻ, đầu năm khi vào mùa khô, EVN chịu nhiều sức ép, phải huy động mọi cách, chạy bằng mọi nguồn giá cao giá thấp để đủ điện. Nhưng cuối năm nếu lỗ, xã hội lại đổ cho việc điều hành yếu là không công bằng. "Những gì EVN làm được, xã hội phải ghi nhận chứ không nên chỉ xoáy vào những tồn tại hay khó khăn", ông chia sẻ.

(Theo VNE)

Share on Google Plus

About Anonymous

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment


♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.