Hot News
Loading...

NHÀ... PHÂN HỌC: Chọn cứt… làm đề tài khoa học

NHÀ... PHÂN HỌC: Nhiều người bảo anh khùng khi chọn cứt… làm đề tài khoa học. Lúc bảo vệ luận án tiến sĩ, bao nhiêu thứ tục tĩu văng hết vào mặt các giáo sư đầu râu tóc bạc thì ai coi được.
Cái mác “nhà cứt học” ra đời từ đó. Nhưng tác giả lại cảm thấy đó là một điều vinh hạnh.

Năm 23 tuổi, vừa có được một chân biên chế trong Viện Ngôn ngữ Việt Nam, Đỗ Anh Vũ đã khiến cả giới nghiên cứu ngôn ngữ sửng sốt sau khi anh trình làng một bài báo khoa học chưa từng có trong lịch sử của Viện với tên gọi Tìm hiểu một yếu tố tục trong cấu tạo thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt và bài viết ấy chỉ bàn đến một yếu tố theo anh là tục vừa thôi đó là: Cứt.

“Án oan” viết về cứt để ám chỉ lãnh đạo Viện

Là một nghiên cứu viên của Viện nhưng vốn yêu văn chương nên thỉnh thoảng Đỗ Anh Vũ viết cộng tác với một số tờ báo. Lần này anh quyết định gửi bài viết mà mình ấp ủ từ thời sinh viên lên tạp chí Ngôn ngữ thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam với hy vọng đây sẽ là đề tài thú vị, mới mẻ bởi chưa từng ai viết về... cứt.

Gửi mãi, chờ mãi, anh được biết bài đã qua biên tập viên nhưng đầu xuôi mà đuôi không lọt. Nghe mọi người nói khi bài của anh đưa đến khâu thẩm định cuối cùng, người đứng đầu tờ tạp chí lập tức đã triệu tập một cuộc họp nóng với các thành viên của hội đồng biên tập về đề tài gây sốc này.

Yếu tố tục vốn là đề tài nhạy cảm và người ta thường né tránh nên ngay lập tức đề tài ấy đã gây chấn động trong giới. Càng động trời hơn, khi người ta phát hiện ra tác giả không ai khác lại là người trong Viện. Mà người trong Viện là ai? Một cậu nghiên cứu viên mới toe, chân chưa ráo nước mà dám quậy “thánh đường ngôn ngữ”. “Khi tôi đặt chân về Viện Ngôn ngữ Việt Nam vào năm 2004, Viện và tạp chí vẫn giữ nguyên nét uy phong, cổ kính thời hoàng kim của nó. Cái thời phải trầy vi tróc vảy mới có bài được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ của Viện bởi phải qua rất nhiều khâu thẩm định, đến nỗi TS ngôn ngữ học Đỗ Thị Kim Liên từng thốt lên rằng để đăng được một bài trên cuốn báo đó thì có chết chị cũng không ân hận. Giống như ta phải đi bảy ngày, thêm ba dặm gặp dăm con suối mới tới được kinh thành nhưng chưa chắc vào được trong thành” - anh Vũ hồi tưởng.

Cũng vì đề tài chấn động ấy mà bài viết đến tay nhiều người. Có người nói: “Thằng này hâm!”, có người bảo đề tài của anh ám chỉ lãnh đạo. Cứ thử đọc cái nhập đề mà xem: “Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng có những yếu tố tục. Sự tồn tại của chúng là tất yếu đến mức không thể chối bỏ trong sử dụng mặc dù lúc này hay lúc khác người ta vẫn muốn lẩn tránh đi. Thực ra chính những yếu tố ấy góp phần thể hiện đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa mỗi dân tộc… Nói về yếu tố tục người ta thường nghĩ đến các từ chỉ bộ phận sinh thực khí của đàn ông hay đàn bà như: b…, c…, d…, l… Ở bài viết này chúng tôi chỉ bàn đến một yếu tố tục vừa thôi đó là: Cứt”. Họ đem thay thế từ “cứt” bằng từ “lãnh đạo” để cho ra một ý nghĩa hoàn toàn khác, chẳng hạn: “Xã hội nào, dân tộc nào cũng có những lãnh đạo. Sự tồn tại của lãnh đạo là tất yếu...”.Bằng lối suy diễn này, bài viết của anh không chỉ bị quẳng vào sọt rác mà còn làm bầu không khí tại Viện trở nên căng thẳng.


Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Vũ (phải) cùng TS Phi Tuyết Hinh trong một chương trình giao lưu thơ tại Viện Ngôn ngữ Việt Nam nhân dịp đầu năm Ất Mùi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cứt đặt nền móng cho nhiều công trình khoa học

May mắn cho Đỗ Anh Vũ, trong cơn địa chấn ấy, anh như kẻ “điếc không sợ súng” bởi một lẽ riêng: “Mình trẻ tuổi, viết cái gì thấy sướng thì gửi đăng thôi chứ chẳng có mục đích thâm hậu gì cả”. Chẳng rõ ai đó trong Viện đã “phát tán” bản thảo bài viết ra ngoài. Bên cạnh những người nhìn anh như nhìn một “quái vật” thì cũng có không ít người gặp anh, vỗ vai anh cười tươi rói: “Đọc bài chú viết thấy hay quá, sướng quá chú ạ!”. Thậm chí, có nhà ngôn ngữ từ Sài Gòn đọc được bản thảo bài viết đã gọi điện thoại cho anh, bày tỏ niềm thích thú.

Giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối, Đỗ Anh Vũ chẳng nghĩ gì hơn ngoài việc tiếc công sức anh đã bỏ ra để hoàn thành một bài viết nên đã gửi sang một tạp chí khác cũng thuộc ngành ngôn ngữ: Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sốngthuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. TS Dương Kỳ Đức là người biên tập, GS Nguyễn Quang Hồng là tổng biên tập đã duyệt và đăng bài báo của Đỗ Anh Vũ trong số tháng 10-2004.

Cũng nhờ sự ủng hộ của hội thảo Ngữ học trẻ tổ chức tại Đà Lạt năm đó cùng tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Đỗ Anh Vũ đã quyết định triển khai, hoàn thiện đề tài “cứt” để tham gia hội thảo Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ sáu tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế như Pháp, Mỹ, Thái Lan... cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước thuộc các chuyên ngành ngôn ngữ học, văn học cùng tham dự. Một lần nữa, đề tài khoa học của anh được chọn đăng toàn văn trong cuốn kỷ yếu dày gần 800 trang của hội thảo. Sau này, nhiều người đọc đề tài khoa học của Đỗ Anh Vũ đã tỏ ra tâm đắc. Cũng chính từ đó, bạn bè hay trêu gọi anh là “nhà cứt học”. “Nói thật, tôi lấy điều đó làm tự hào” - anh Vũ chia sẻ.

Phải nói cũng chính đề tài khoa học về cứt của Đỗ Anh Vũ đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu các yếu tố tục cũng như các yếu tố bị kiêng kỵ trong tiếng Việt. “Sau này một số công trình luận án tiến sĩ đều nhắc đến bài viết của tôi như các luận án của chị Ngô Thị Minh Thủy đối chiếu thành ngữ Việt-Nhật hoặc luận án tiến sĩ về từ kiêng kỵ của chị Bùi Thị Ngọc Anh” - anh Vũ cho biết.

Luận án tiến sĩ về cứt là không… “thẩm mỹ”

Đỗ Anh Vũ cho hay đề tài khoa học về cứt chưa phải là tất cả những gì anh đang nghiên cứu. Hiện anh đã thu thập được hơn 200 câu thành ngữ, tục ngữ mà nhiều nhà nghiên cứu phải mơ ước về bộ phận sinh khí thực của đàn ông và đàn bà. “Riêng với đề tài về cứt và phân, tôi có ý định phát triển thành luận án tiến sĩ với tên gọi “Từ tục trong tiếng Việt”. Tôi đã viết xong đề cương cơ sở, chỉ còn đợi ngày bảo vệ trước hội đồng xét tuyển nghiên cứu sinh”.

Tuy nhiên, một lần nữa những vấn đề được cho là tế nhị không được mọi người ủng hộ như Đỗ Anh Vũ mong đợi, khác hẳn quan điểm của anh: “Đã là nghiên cứu khoa học thì không thể quan niệm cái tế nhị thì không được nghiên cứu” - anh Vũ nói. Một số người góp ý thẳng thắn: “Đề tài này quá… phản thẩm mỹ. Lúc chú bảo vệ, sẽ có bao nhiêu thứ tục tĩu như “c…, d…, b…, l…” văng hết vào mặt các giáo sư đầu râu tóc bạc thì ai coi được, trong khi có bao nhiêu đề tài hay ho khác lại không chọn”.

Dù gặp nhiều cản trở, anh vẫn âm thầm quyết tâm theo đuổi đề tài cứt. Thì đó, chỉ vừa mới tết này thôi, bạn bè gặp Vũ lại chứng kiến cảnh “ông tướng” áo quần xuề xòa phong phanh, mắt sáng long lanh, tay chém lia lịa vào không khí, miệng nói say sưa liên hồi về… cứt. Vũ tiết lộ vẫn đang âm thầm chuẩn bị hệ thống tư liệu về từ tục cho một chuyên luận về từ tục trong tiếng Việt rất kỳ công. Một quả bom trong ngành ngôn ngữ Việt Nam đã được cài giờ nổ. Chờ xem!

Share on Google Plus

About Anonymous

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment


♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.