Khi tiết trời giá rét, xe máy khó khởi động vào buổi sáng hoặc vào lần khời động đầu tiên trong ngày là hiện tượng diễn ra phổ biến. Nguyên nhân do đâu và xử lý như thế nào?
Thử hình dung, mỗi buổi sáng dắt xe ra đi học, đi làm, khởi động mãi mà chiếc xe của bạn cứ “ỳ” ra như muốn… ngủ nướng thì thật khó chịu! Đã có khá nhiều thắc mắc xung quanh việc tại sao những chiếc xe máy, đặc biệt là xe Yamaha, lại khó khởi động vào buổi sáng mùa đông như vậy và nên xử lý tình huống trên như thế nào. Trong số này, Autonet sẽ giúp bạn tìm ra lời giải.
Nguyên nhân
Sau khi đã kiểm tra kĩ bugi không thấy bị hư hỏng hay bẩn thì việc khó khởi động xe thường do bộ chế hòa khí (hay còn gọi là bình xăng con) căn chỉnh chưa hợp lí.
Bộ chế hòa khí có nhiệm vụ trộn không khí với nhiên liệu theo một tỉ lệ thích hợp và cung cấp hỗn hợp này cho động cơ đốt trong, hoạt động theo nguyên tắc hoàn toàn cơ học. Nếu tỉ lệ nhiên liệu và gió được điều chỉnh không chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng khó khởi động xe.
Có thể lí giải, khi thời tiết lạnh, khả năng bay hơi của nhiên liệu giảm làm cho hỗn hợp hòa trộn nhiên liệu và không khí thường không đủ độ đậm đặc (nghèo xăng) hơn lúc máy nóng hay thời tiết ấm. Chính vì vậy, tỉ lệ căn chỉnh gió và nhiên liệu tại bộ chế hòa khí ảnh hưởng trực tiếp đến việc khởi động xe khi thời tiết lạnh.
Ngoài ra, các dòng xe phổ thông của Yamaha được trang bị khóa xăng an toàn dạng chân không nên khi tắt máy xăng sẽ không xuống chế hòa khí. Đây cũng là lí do khiến cho xe thường khó khởi động hơn vào mùa đông.
Cách khắc phục
Việc khó khởi động xe vào thời tiết lạnh thường rơi vào những trường hợp trên nên cách khắc phục hoàn toàn không hề phức tạp.
Theo anh Tuấn – chủ một cửa hàng sửa chữa xe trên phố Phủ Doãn: “Đối với các dòng xe phổ thông của Yamaha như Sirius, Jupiter, Mio… thì cách khởi động tốt nhất vào mỗi buổi sáng là mở le (hay còn gọi là air, thường nằm ngay dưới vị trí còi) hoàn toàn, nhưng không nên vặn tay ga vì sẽ làm tăng lượng gió vào và giảm độ đậm đặc của hỗn hợp hòa trộn”.
Khởi động bằng cách ấn nút đề hoặc đạp cần khởi động. Nếu khởi động bằng nút đề mà máy không nổ thì phải sau 10 giây mới khởi động lại và mỗi lần khởi động không nhấn giữ nút đề quá 3 giây. Khi động cơ đã nổ, đóng từ từ cần gạt le cho đến khi máy nóng và có tiếng nổ ổn định thì có thể đi. Thực hiện đúng quy trình như trên là cách sử dụng đúng đắn, tạo hiệu năng cao và tăng độ bền cho động cơ.
Ngoài ra, đối với những dòng xe khác thì bạn nên điều chỉnh tỉ lệ gió và nhiên liệu ở bộ chế hòa khí để có thể dễ dàng khởi động hơn. Tuy nhiên, khuyến cáo việc căn chỉnh tỉ lệ này cần phải thực hiện đúng cách nếu không sẽ ảnh hưởng đến độ bền của động cơ và xe sẽ hao xăng.
Cách chỉnh bộ chế hòa khí đúng phải thực hiện theo quy trình sau:
-
Dựng xe trên chân chống đứng. Dùng tuốc vít vặn cả ốc xăng và ốc gió vào hết cỡ. Ốc xăng là ốc nằm thẳng dưới trụ ga, ốc còn lại là ốc gió. Để nổ khoảng 5 phút cho máy nóng.
-
Buông tay ga. Nới lỏng ốc gió chậm rãi theo chiều ngược kim đồng hồ. Ban đầu, máy sẽ nổ lụp bụp (do thừa xăng). Nhớ vị trí ốc gió khi vừa hết tiếng nổ lụp bụp ở ống pô, gọi vị trí này là A. Tiếp tục nới ốc gió, lúc này máy sẽ rú lên, càng nới càng rú (do thiếu xăng, dư gió). Ghi nhớ vị trí tốc độ máy cao nhất, gọi vị trí này là B. Vặn ốc gió vào vị trí giữa A và B.
-
Lúc này nới dần ốc xăng theo chiều ngược kim đồng hồ cho tới khi máy nổ ổn định, xe không rung, không tắt máy, tiếng nổ đều.
Đối với việc chỉnh bộ chế hòa khí, nếu không chắc về phương pháp thực hiện, bạn nên đem xe đến các trung tâm bảo dưỡng xe để được tư vấn và có được dịch vụ tốt nhất.
Ngoài ra, việc tạo thói quen đi bảo hành bảo dưỡng xe định kì theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ làm cho chiếc xe của bạn vận hành một cách tốt nhất.
Theo Vietnamcar.com
0 nhận xét :
Post a Comment
♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.