Tìm hiểu về Minh triết Việt để thấy dân tộc này đã vượt qua nhiều thử thách cam go đến từ thiên nhiên, xã hội, quốc gia, dân tộc, bang giao... để cuối cùng được sống sót, tồn tại và không ngừng phát triển như ngày nay.
LTS: Xung quanh chủ đề Minh triết Việt, độc giả Trần Nghĩa (Viện Hán nôm) góp thêm một vài kiến giải. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của ông để quí vị độc giả cùng suy ngẫm.
Trước khi bàn tiếp về Minh triết Việt, tôi xin góp bàn một chút về “minh triết” nói chung. Để có cái nhìn toàn cảnh, cần phải tìm hiểu thêm về khái niệm “minh triết” ở các nước phương Đông, trước hết là Trung Quốc, nơi khả dĩ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về “Minh triết”.
“Minh triết” qua thư tịch Trung Quốc
Nguồn thông tin từ chữ viết: Trung Quốc, như ta đã biết là một nước có chữ viết từ khá sớm, phát triển qua nhiều giai đoạn, từ viết lên trên mai rùa, xương thú (giáp cốt văn), chữ khắc trên các đồ bằng đồng, đồng thau (kim văn, chung đỉnh văn), đến loại chữ thông dụng vào đời Tần (Tần triện, tiển triện), đời Hán (lệ thư) v.v..
Nếu như “Minh triết” là từ ghép giữa “minh” và ‘triết” thì chữ “minh” xuất hiện sớm hơn chữ “triết”. Trong văn tự giáp cốt sử dụng vào thời nhà Ân (1600 – 1046 TCN), “minh” được viết là gồm mặt trời và mặt trăng gộp lại, với nghĩa gốc là “sáng suốt”. Bộ nhật sang kim văn và Tần triện, có lúc cũng được thay bằng chữ “quýnh”, chỉ bên cửa sổ ngắm trăng, nghĩa chung của cả con chữ vẫn là “sáng suốt”.
Chữ “triết” mãi đến kim văn đời Thương-Chu (1300 TCN-256 TCN) mới thấy có. Chữ “triết” lúc này gồm chữ “sở” là “xứ sở” và chữ “tâm” là “lòng người” ghép lại mà thành. “Triết” như vậy có nghĩa là chỗ ở của Tâm. Đến tiển triện, chữ “sở” được viết thành chữ “chiết”, chữ tâm được viết thành chữ “khẩu”. Triết ở đây biểu thị tài năng, có thể dùng lời lẽ thuyết phục người khác. Từ lệ thư trở đi, chữ “triết” được viết thành “chiết + khẩu”, dạng chữ dùng mãi cho đến ngày nay. Bên cạnh cách viết vừa nêu, còn có vài cách viết khác, đều nhấn mạnh cái ý thánh thiện: “cát” là biểu tượng của chiếc “ngọc khuê” đặt trên đàn tế!
Nguồn thông tin tư liệu thành văn: Có không ít thư tịch Trung Quốc đề cập đến từ “minh triết”. Để tiện theo dõi có thể chia chúng thành hai mạng lớn: thư tịch cổ và thư tịch hiện đại.
a. Thư tịch cổ: Kinh thi (nguyên tên là Thi Tam Bách): hai từ “minh’ và “triết” lần đầu được sử dụng bên nhau trong Kinh Thi, một bộ tổng thơ ca thuộc loại cổ nhất Trung Quốc, thành sách trước năm 544 TCN. Liên quan đến “minh triết” là bài thơ Chưng Dân trong phần đại nhã của Kinh Thi gồm 8 chương, mỗi chương có 8 câu. Đây là chương thứ IV:
Túc túc vương mệnh
Trọng Sơn Phủ tương chi
Bang quốc nhược bi
Trọng Sơn Phủ minh chi
Ký minh thả triết
Di bảo kì thân
Túc dạ phỉ giái
Dĩ sự nhất nhân.
(Mệnh lệnh uy nghiêm của vua
Được Trọng Sơn Phủ thực hiện
Vận nước nhà yên hay nguy
Chỉ Trọng Sơn Phủ biết rõ hơn cả
Ông là người đã sáng suốt, lại thấu đáo mọi việc
Làm theo đạo nghĩa để gìn giữ bản thân
Sớm tối ông không hề lười biếng
Để phụng sự một người, ấy là vua nhà Chu vậy
Chữ “minh” trong câu “Ký minh thả triết” được Chu Hy chú giải rõ ràng là “hiểu rõ ràng, thấu đáo về việc gì”. Còn chữ “bảo thân” thì Chu Hy hiểu là “thuận theo đạo nghĩa để giữ gìn bản thân, không chạy theo cái lợi, né tránh cái hại đối với mình để yên thân một cách tạm bợ”. Chu Hy nói Khổng Tử đọc Kinh Thi đến bài Chưng Dân liền khen rằng: “Người làm bài thơ này, hẳn đã hiểu đạo lắm”. Mạnh Tử cũng đã từng dẫn bài thơ trên để luận chứng cho thuyết “tính thiện” của ông (Mạnh Tử, Vạn Chương Hạ).
Hai câu thơ “Kí ninh thả triết, dĩ bảo kì thân” sau đó được dồn nén thành câu thành ngữ “minh triết bảo thân”, với hàm nghĩa tốt . Chẳng hạn Khổng Dĩnh Đạt (574-648) nhà kinh học đời Đường cho rằng “Đã có thể hiểu rõ thiện ác, phân biệt đúng sai, từ đó mà lựa chọn cái an, loại bỏ cái nguy, bảo toàn thân mình, không bị tai họa hoặc thất bại”. Bạch Cư Dị (722-848) trong bài Dỗ Hựu trí sĩ chế cũng từng viết: “Ông Đỗ Hựu tận tụy thờ vua, minh triết bảo thân, khi tiến khi thóai, trước sau không rời đạo lý”.
Kinh thư (nguyên tên là Thượng Thư): Đây là bộ sách ra đời vào thời Khổng Tử, do chính tay Khổng Tử biên tập nghĩa là “sớm” vào loại thứ hai trong sách cổ Trung Quốc liên quan đến “minh triết” sau kinh thi.
Trong Kinh Thư có mấy chỗ đề cập đến “minh triết”.
- Duệ triết văn minh = văn minh trí tuệ( Thư Thuấn điển)
- Tri chi viết minh triết = hiểu biết sự việc, gọi là minh triết( Thư Duyệt mệnh thượng)
- Minh tác triết = minh cũng là triết (Thư Hồng Phạm).
Theo Dương Hùng thì “triết” cũng là “tri” (đông nghĩa với trí). Người ở đất Tề, Tống gọi tri là triết (Dương Tử, Dương ngôn)
Quản Tử: Bộ sách do nhóm học giả Tác Dạ ở nước Tề thác danh Quản Trọng (? 645 TCN) biên soạn vào thời chiến quốc. Ở thiên Trụ hợp của bộ sách này có câu :”Minh nãi triết, triết nãi mình.. , minh triết nãi đại hạnh = minh thì triết, triết thì minh (…), minh triết thì có hành vi và phẩm chất lớn”.
Sau Kinh Thi, Kinh Thư và Quản Tử, còn có một số sách cổ đề cập đến từ minh triết như Pháp Ngôn, Nhĩ Nhã, Hán Thư, Tam quốc chí v.v..nhưng nhìn chung không có gì đặc biệt, ở đây xin miễn trình bày.
Với thực tế trên đây, Từ Nguyên (Bản in năm 1967) cũng như Tù Hải (bản in năm 1999) đã có lý khi lý giải “minh triết” là “minh trí’ tức là thấu hiểu đạo lý, nắm bắt được bản chất, quy luật của sự việc.
b. Thư tịch hiện đại: Đáng chú ý nhất là cuốn từ điển bách khoa : Nho- Phật- Đạo xuất bản năm 1995 và bộ từ điển Từ Hải năm 1999.
Về từ “minh triết” thì hai quyển này đều kế thừa cách giải thích truyền thống tức là “minh triết’ là “minh trí”v.v..
Nhưng đến “minh triết bảo thân” thì ngoài nghĩa tốt cũng là nghĩa gốc của nó ban đầu. Từ điển Nho- Phật- Đạo và từ điển Từ Hải còn nói tới chuyện chuyển nghĩa của thành ngữ này về sau theo hướng péjoratif, tức nghĩa xấu. Từ điển Nho- Phật- Đạo viết: “ký minh thả triết dĩ bảo ký thân, ý nói người thông hiểu đạo lý thì biết tới chỗ yên ổn, tránh chỗ nguy hiểm, giỏi về việc bảo toàn bản thân mình”.
Khổng Tử có nói: “Thiên hạ có đạo thì ra giúp đời, vô đạo thì đi ở ẩn” (Luận ngữ, Thái bà) cũng với ý minh triết bảo thân. Sau trở thành thành ngữ, ý nói giữ gìn đạo trung dung, việc không liên quan đến mình thì gác bỏ để bảo toàn tính mệnh và lợi ích của mình. Còn Từ Hải thì viết: “nay minh triết bảo thân phần nhiều dùng để chỉ thái độ xử thế của những người quá sợ tổn hại đến lợi ích bản thân mà tránh sự đấu tranh theo nguyên tắc.”
Minh triết Việt
Vậy là ở Trung Quốc ta vừa được hiểu “minh triết” tức là “minh trí’, tức là khôn ngoan và sáng suốt thể hiện chủ yếu trong câu nói và việc làm.
“Sáng suốt” ở đây nói về sự hiểu biết, nhận định, đánh giá. Hiểu biết đúng về người, về công việc.. Nhận định đánh giá đúng mặt đúng, mặt sai, mặt tốt, mặt xấu, mặt mạnh, mặt yếu của đối tượng đối tác của mình.
“Khôn ngoan” hay “trí” ở đây là nói về cách ứng xử tối ưu trước những vấn đề khó khăn, nan giải.
Và sự “thành công” chính là một kiểm chứng, một xác nhận có tính thuyết phục nhất về cái gọi là minh triết, minh trí – tức sáng suốt, khôn ngoan.
Có thể thể xác lập 1 số tiêu chí sau để nhận định về tính “minh triết”:
Sáng suốt trong nhận định
Khôn ngoan trong ứng xử
Vượt qua được rào cản, khảo nghiệm, thách thức, đi tới thắng lợi, thành công.
Những con người, tư tưởng, lời nói, việc làm nào đạt được ba tiêu chí trên thì mới có thể gọi là “minh triết”.
Minh triết với ba tiêu chí vừa nêu không khác mấy so với cách hiểu về từ “sagesse” trong tiếng Pháp và “wisdom” trong tiếng Anh.
Theo Pháp Hán từ điển(bản in năm 1988) “sagesse” được chuyển thành 7 nghĩa trong tiếng Hán, đáng chú ý là các nét nghĩa sau: 1. trí tuệ, tài trí, duệ trí, minh trí; 2. thẳm thận, cẩn thận, khắc chế,minh triết.v.v..
Theo Anh Hoa từ điển(bản in năm 2001) wisdom được chuyển thành 5 nghĩa trong hoa ngữ, đáng chú ý là các nét nghĩa sau: 1.trí tuệ, thông minh, tài trí; 2. văn học, trí thức, học thức; 3. hiền triết v.v..
Vậy có thể nói “minh triết” của Trung Quốc cũng như của các nước phương Đông nói chung có nghĩa tương đồng với các nước Âu, Mỹ.
Nghiên cứu “minh triết” Việt tức là đi sâu vào các sắc thái riêng vừa nói. Nó liên quan và chịu sự chi phối mạnh mẽ của điều kiện địa lý- chính trị và truyền thống tư tưởng- văn hóa Việt Nam.
Về mặt địa lý, chính trị, Việt Nam vốn là nước “nhược tiểu”, sống bên cạch một quốc gia khổng lồ rộng về lãnh thổ, đông về dân cư, có nền văn hóa lâu đời, trong cách ứng xử với các nước láng giềng đã sớm hình thành quan niệm mà bài thơ Bắc Sơn trong phần Tiểu Nhã của Kinh Thi đã nói lên rất rõ:
Phổ thiên chi hạ
Mạc phi vương thổ
Suất thổ chi tán
Mạc phi vương thần
(Khắp cõi dưới trời
Chẳng chỗ nào không phải là lãnh thổ của nhà vua
Noi theo những vùng đất ven bờ
Dân chúng khắp nơi, chẳng ai không phải bề tôi nhà vua)
Do vậy, các con cháu Vua Hùng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn bờ cõi và phát triển đất nước suốt cả thời cổ đại và trung đại. Sang thời kì cận hiện đại, mối quan tâm ấy vẫn chưa được giải tỏa “hết đương đầu với thực dân Pháp, lại phải lo đánh cho Mỹ cút”.
Về mặt truyền thống văn hóa, người Việt có những gen nổi trội như yêu quê hương xứ sở, có lòng nhân ái, cưu mang, có cách ứng xử mềm dẻo linh hoạt, có tinh thần độc lập tự chủ.
Và cho thấy Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách cam go đến từ thiên nhiên, xã hội, quốc gia, dân tộc, bang giao... để cuối cùng được sống sót, tồn tại và không ngừng phát triển như ngày nay.
Bên cạnh cái được, chúng ta cũng có rất nhiều cái mất, cái không “minh triết” dẫn tới thất bại. Tìm hiểu về vấn đề này cũng rất có ích vì “có dại thì mới có khôn”.
Trở lên, chúng tôi mới trình bày cách hiểu của mình về “minh triết Việt”. Một câu hỏi tiếp tục đặt ra: thế thì “Minh triết Việt” đã diễn ra cụ thể như thế nào trong qua các chặng đường lịch sử của Việt Nam?
Câu giải đáp đang còn ở phía trước, với nhiều cuộc hội thảo khác nữa, tôi nghĩ thế!
Tác giả: TRẦN NGHĨA (VIỆN HÁN NÔM) đăng trên Tuanvietnam
em không hiểu hết bài này của bác.
ReplyDeletenhưng theo được biết về tiếng hán
Minh Triết là thế này"
Minh trong bộ Minh Tinh
Triết trong bộ Triết Cành
Minh triết là Minh tinh bị triết.....
em chỉ hiểu đến thế thôi.... con triết cái gì thì em chưa tim hiểu được.
xin được thọ giáo thêm.... cúc cu