Hot News
Loading...

Ý kiến chỉ trích K + và VTC bắt chẹt người hâm mộ NH Anh

Sau khi bài viết: Hai “nhà đài” phân chia thị phần móc túi đệ tử túc cầu đăng trên Diễn Đàn VNR500 ngày 18/7, đã có nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi gay gắt về sự móc ngoặc để cùng nhau cấu kết phân chia thị phần thưởng thức môn thể thao bóng đá quốc tế của K + và VTC.

Các đồng nghiệp ở các báo cũng đã có ý kiến và trích dẫn ý kiến của cơ quan chức năng về hiện tượng này.

 

Dưới đây Diễn Đàn VNR500 tổng hợp góc nhìn từ nhiều phía :

1. Bạn đọc :

Bạn đọc Bui Anh Tuan ( tuanbv@yahoo.com) nhận xét: “Đây là một hình thức bắt chẹt người tiêu dùng, không hiểu đến bao giờ mới thoát được khỏi vấn nạn này”

Quyết liệt hơn, bạn đọc Nguyễn Hùng Anh (hunganh@unipaxvn.com) kêu gọi: “ chúng ta đồng lòng tẩy chay như chúng ta đã từng làm đối với sản phẩm ngoại của các doanh nghiệp quá coi thường hoặc chặt chém người tiêu dùng.”

Một số ý kiến thì nhận định rằng; “các chương trình bóng đá trên K + và VTC chỉ giành cho những người có tiền, những người có nguồn thu nhập cao, còn 95% dân số không thể chịu nổi giá cước mà hai đài đưa ra” và “một lượng lớn khán giả môn bóng đá quốc tế là học sinh; sinh viên và những người lao động chân tay thì lấy đâu ra tiền để mua “vé” vào kênh để xem ? Mà khi lượng khán giả ít thì mục tiêu của các nhà tài trợ, quảng cáo sẽ không đạt hiệu quả cao”…

Bạn đọc Bùi Mạnh Thắng (rebirth_1308@yahoo.com.vn ) băn khoăn rằng: “ Bộ Thông Tin & Truyền Thông chắc còn đang lo nền công nghiệp game chứ còn tâm trí đâu mà lo cho người hâm mộ bóng đá nước nhà”

2. Góc nhìn của Cục quản lý cạnh tranh :

Bình luận với phóng viên VietnamNet về việc này, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết: Cục đang tìm hiểu và nghiên cứu sự việc trên và chưa có kết luận chính thức. Nhưng đây dường như đã có dấu hiệu của việc vi phạm Luật cạnh tranh.

Ông Phú cũng cho biết thêm: Khi có đơn khiếu nại của người hâm mộ hoặc của một đài truyền hình trong nước về việc đọc quyền này, Cục sẽ chính thức có cuộc điều tra và đưa ra phán xử theo quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh.

3. Góc nhìn của nhà Báo : Bóng đá chỉ dành cho người giàu? Trên Thanh Niên

“K+ sẽ như thế nào nếu khán giả VN đồng loạt phản ứng với mức giá thuê bao quá cao và từ chối mua đầu thu của họ? Điều này không phải không thể xảy ra, bởi với mức giá ban đầu khoảng 4,5 triệu đồng để lắp đặt thiết bị so với thu nhập của số đông công chúng VN vẫn là quá cao. Với mức phí như vậy thì K+  chỉ phục vụ cho một bộ phận người khá giả, còn đa số người dân lao động sẽ không thể kham nổi.

Theo giải thích của ông Cao Văn Liết - Tổng giám đốc truyền hình số vệ tinh (VSTV), đơn vị đang sở hữu K+: “Mức giá 3 triệu đồng/năm là do VSTV đã bỏ ra một khoản kinh phí khổng lồ để mua bản quyền phát sóng, mà đã kinh doanh thì khi bỏ vốn ra cũng phải cố gắng thu tiền về. Mặt khác, tiêu chí mà chúng tôi xác định là luôn đặt vấn đề kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng”. Số tiền bản quyền lớn là bao nhiêu, liệu có lớn hơn hàng chục triệu USD mà VSTV dự định yêu cầu các công ty truyền hình cáp thu lại từ các thuê bao nếu muốn được xem bóng đá trên kênh K+1? Và tiêu chí mà VSTV xác định “luôn đặt vấn đề kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng” rõ ràng là mâu thuẫn với mức phí mà họ đưa ra cho khách hàng của mình.

Cần nhắc lại, theo đại diện truyền hình cáp SCTV, VSTV đề nghị mức thuê bao 150 ngàn đồng/tháng nếu người hâm mộ muốn xem bóng đá châu Âu trọn gói từ K+. Hiện SCTV có hơn 800.000 thuê bao nên nếu các thuê bao này chấp nhận mức giá đó của VSTV thì số tiền thu được lên đến 120 tỉ đồng, tức khoảng 6 triệu USD/tháng hoặc 72 triệu USD/năm - một con số khổng lồ! Còn theo tìm hiểu của Thanh Niên, giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh năm rồi mà VTC mua được không quá 2 triệu USD. Nếu năm nay có tăng thì chắc chắn cũng không thể tới mức hàng chục triệu USD. Tính toán sơ lược cũng thấy được lợi nhuận của K+ là quá lớn. Như vậy, làm sao có thể gọi là “kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng”?

Thêm một bất hợp lý khác là trong khi các nhà cung cấp truyền hình cáp thường thu phí thuê bao chỉ 55 - 70 ngàn đồng/tháng cho khoảng 60-70 kênh, thế mà chỉ thêm kênh K+1 và một vài kênh khác mà phí thuê bao của K+ đã tăng gấp từ 4 - 5. Lẽ ra K+ nên xem xét thấu đáo và đưa ra một mức thuê bao vừa túi tiền người hâm mộ để vừa bán được sản phẩm của mình, vừa tạo được lòng tin nơi khách hàng. Tuy nhiên, với vị thế độc quyền phát sóng, K+ đã đưa khách hàng vào tình thế không có quyền chọn lựa nhà cung cấp, mà chỉ có hai cách: hoặc trả tiền cao để xem bóng đá trên truyền hình, hoặc “ráng nhịn” nếu là người có thu nhập thấp!

… Thiết nghĩ, K+ cần phải điều chỉnh giá của gói thuê bao có kênh bóng đá K+1 của mình sao cho phù hợp với lợi ích người tiêu dùng, vừa phục vụ mục đích kinh doanh. Nếu không khắc phục những bất hợp lý này, K+ rất có thể sẽ không tạo được sự đồng thuận của người hâm mộ và hậu quả là họ sẽ quay lưng với VSTV trước khi mùa bóng mới khởi tranh, như ý kiến của một độc giả gửi đến Thanh Niên: “Ngày nay, chuyện trả tiền để xem truyền hình đã trở thành bình thường. Nhưng trả tiền là để chia sẻ gánh nặng mà nhà đài phải trả cho hãng truyền hình nước ngoài, chứ không phải lợi dụng độc quyền để móc túi người dân”.

4. Góc nhìn của Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử :

Ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động cho rằng: “Kênh K+: Phải có trách nhiệm với cộng đồng” và cho biết thêm:

“Hiện một số đài truyền hình đã có văn bản gửi Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên xuất hiện vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình. Cục đang phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để rà soát lại toàn bộ khuôn khổ pháp lý xung quanh lĩnh vực này.

Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét hướng xử lý cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn của VN trong cung cấp dịch vụ truyền hình. Đây là vấn đề cạnh tranh giữa các đài và K+ cũng là một doanh nghiệp nên phải được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh. Trước mắt là làm rõ yếu tố cạnh tranh giữa các đài và K+ có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không rồi mới tính đến quyền lợi người xem truyền hình.

Trước đây, người dân đã quen với việc được xem truyền hình miễn phí nhưng nay đã có dịch vụ truyền hình có thu tiền. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới. Truyền hình trả tiền phải có thu phí để bảo đảm có lợi nhuận. Tuy nhiên, đây cũng là loại hình mới và pháp luật cũng phải điều chỉnh để quản lý từ khâu cạnh tranh đến giá cước... Hiện nay, quy chế quản lý truyền hình trả tiền đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ. Nếu có quy chế này, bước đầu sẽ có vận dụng, điều chỉnh hoạt động này. Tại thời điểm này, đúng là cũng rất khó.

Tuy nhiên, phải khẳng định là trong trường hợp dịch vụ truyền hình trả tiền, ngoài quyền lợi cục bộ, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội vì đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Mặt khác, nếu trong trường hợp pháp luật chưa đủ để điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng phải có ứng xử hài hòa, hợp lý trước phản ứng xã hội. Quan điểm là quyền lợi của người dân vẫn phải đặt trên hết.

Hiện tại các kênh, đài đang mua bản quyền độc quyền một chương trình truyền hình nước ngoài. Nên việc trước mắt là xem xét ở Luật Cạnh tranh. Bước hai sẽ xem xét tiếp các vấn đề sau vì đây là vấn đề rất mới và khá phức tạp.

5. Góc nhìn của Luật sư :

Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu trên Báo Tuổi trẻ: “Cần vai trò quản lý của Nhà nước” và “Phải xem xét dưới góc độ Luật cạnh tranh”

Luật sư cho rằng: Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Tuy nhiên, liên quan đến sự kiện “độc quyền” này, chúng tôi cho rằng có sự chưa rõ ràng trong việc thực thi bản quyền truyền hình với vai trò quản lý của Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Việc Công ty VSTV cũng là đơn vị trực thuộc Đài truyền hình VN (VTV) đã phát sinh nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Vấn đề đặt ra là một cơ quan và doanh nghiệp truyền thông thuộc sở hữu nhà nước như VTV đáng lẽ phải quan tâm thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng như quy định tại khoản 3 điều 8 Luật sở hữu trí tuệ, nhưng nay doanh nghiệp trực thuộc VTV lại đang tìm cách thông qua việc “độc quyền” phát sóng dẫn đến làm tăng chi phí trả cho việc mua thiết bị thu kỹ thuật số và chi phí thuê bao hằng tháng tăng gấp nhiều lần mặt bằng giá hiện nay.

Phần vốn nhà nước trong VSTV bỏ ra để mua được bản quyền truyền hình nói trên, suy cho cùng cũng từ nguồn tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp. Trong trường hợp này, đến lượt mình người dân phải được thụ hưởng chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ là cùng với việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân, Nhà nước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng.

Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mặt khác, việc tuyên bố và đưa ra bằng chứng chỉ là hai văn bản xác nhận Công ty MP&Silva là đơn vị hợp pháp duy nhất phân phối bản quyền phát sóng truyền hình EPL tại VN và văn bản của MP&Silva khẳng định VSTV là đơn vị nắm bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu của giải này có phải là cơ sở pháp lý duy nhất khẳng định họ được “độc quyền” phát sóng EPL hay không?

Trong trường hợp này, nếu đúng là ban tổ chức EPL - chủ sở hữu quyền phát sóng chương trình của EPL - đã chuyển nhượng quyền tác giả hoặc xác nhận đơn vị hợp pháp duy nhất phân phối bản quyền phát sóng cho Công ty MP&Silva, đến lượt mình MP&Silva xác nhận VSTV là đơn vị nắm bản quyền phát sóng EPL thì về mặt pháp lý, đơn vị chủ sở hữu bản quyền phát sóng EPL và các đơn vị nhận chuyển nhượng bản quyền này cần tiến hành các thủ tục đăng ký bản quyền phát sóng nói trên đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của VN để có thể được bảo hộ trên lãnh thổ VN.

Ngoài ra, liên quan đến giá cả của các thiết bị kỹ thuật số và chi phí trả thuê bao hằng tháng mà VSTV đưa ra hiện nay cao hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng kinh doanh lĩnh vực này cũng cần được xem xét dưới góc độ Luật cạnh tranh.

Luật cạnh tranh nghiêm cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh như lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.

6. Góc nhìn của VTV : “Gà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!” dẫn trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình VN (VTV) trên Tuổi trẻ “Gà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!”

VTV là một cơ quan truyền thông của Nhà nước và có nghĩa vụ phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội của mình, thông tin chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các tin tức phục vụ dân sinh trên các kênh truyền hình công cộng của mình, hoàn toàn miễn phí. VTV cũng có nghĩa vụ phải làm nhiệm vụ phổ cập các chương trình giải trí, thể thao đến nhân dân ở một mức độ chấp nhận được mà không quá tốn kém cho ngân sách.

Trong trường hợp với thể thao, đó chính là động thái của chúng tôi tìm mọi cách để thương thảo mua được bản quyền phát sóng sạch tất cả các trận đấu ở World Cup 2010 vừa qua. Nhưng Giải ngoại hạng Anh, Serie A (Giải vô địch Ý) hay La Liga (Giải vô địch Tây Ban Nha) hoàn toàn không mang tính chất đó.

Đó thật sự là một món hàng xa xỉ. Bản quyền các giải đấu này ngày càng cao là do nó đã phải gánh thêm chi phí từ những ngôi sao trị giá hàng chục triệu đôla. Đã là hàng xa xỉ thì không thể có chuyện miễn phí được. Và quả thật không nên miễn phí. Do đó Nhà nước cũng không nên bỏ tiền mua bản quyền các trận đấu này về phát miễn phí.

Nhưng do nhu cầu xem các trận đấu này là có thật, nên các đơn vị kinh doanh truyền hình vẫn mua để phát trên các kênh truyền hình trả tiền. K+ cũng như tất cả các kênh truyền hình cáp đều là truyền hình trả tiền, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, mục tiêu là thu hồi vốn, là lợi nhuận.

Giá thành các gói cước mà họ đưa ra là trên cơ sở tính toán các thiết bị thu phát sóng và tiền mua bản quyền, tất nhiên đã có lợi nhuận trong đó. VTV tuy có vốn chi phối 51% trong K+, nhưng chủ yếu giữ vai trò điều hành về nội dung là chính.

Nhiệm vụ chính của VTV là đảm bảo các chương trình phát trên K+ lành mạnh, chất lượng cao chứ không can thiệp vào việc kinh doanh khi doanh nghiệp không vi phạm luật pháp VN.

Khi được hỏi: trong thương vụ đàm phán mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh năm nay có đến bốn đơn vị cùng đứng ra mua bản quyền phát sóng là SCTV, VCTV, K+, VTC và đẩy kinh phí bản quyền tổng cộng cho bốn gói riêng rẽ lên đến 13,8 triệu USD (cho ba mùa liên tiếp). Trong khi K+ có 51% vốn của VTV, SCTV cũng có 50% vốn của VTV, VCTV cũng có 50% vốn của VTV (VTC cũng là một tổng công ty nhà nước), như vậy toàn là “gà nhà đá nhau”. Tại sao cùng là đơn vị nhà nước mà lại không thể ngồi thỏa thuận trước với nhau, để cùng cầm tiền tranh nhau mua khiến người bán tha hồ “bắt chẹt”? Ông Lương cho biết:

”Thật sự chính tôi cũng đang đau đầu về chuyện này. Đúng là không hay chút nào khi cùng lúc các doanh nghiệp “gà cùng một mẹ” đồng loạt đàm phán mua bản quyền cùng một giải đấu. Nhưng do tính cộng đồng của người VN mình phải nói là chưa cao nên ngồi lại với nhau rất khó.”

Một trong nhiều nguyên nhân khiến giá bản quyền bán cho VN cao còn vì các nhà kinh doanh thế giới nhận thấy VN đang là một thị trường quá nóng.

7. VTC giải thích:

“Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ phát trên HDTV. Tôi nghĩ đây là một sự thiệt thòi lớn cho khán giả. Trước đây, chúng tôi phát quảng bá bằng truyền hình độ nét tiêu chuẩn cho tất cả khách hàng thì lượng người xem rất đông, nhưng năm nay, chỉ có hai đối tượng khách hàng sử dụng HDTV của VTC và K+ được xem bóng đá Anh mà thôi.

Khi VTC đàm phán với hãng cung cấp bản quyền mua để phát ở các hạ tầng khác, như đầu kỹ thuật số… nhưng không thể làm được. Điều đó vì nguyên nhân khách quan khi đàm phán hợp đồng, chứ không phải ý của mình muốn là được. Mặc dù chúng tôi luôn biết, khách hàng là "thượng đế", nhưng cũng xin hiểu cho doanh nghiệp.”

Giá mua bản quyền tăng như vũ bão:

Đơn vị độc quyền phân phối bản quyền Giải ngoại hạng Anh (EPL) tại VN đã mua bản quyền EPL với giá 8 triệu USD (cho ba năm) và bán gói “chủ nhật độc quyền” cho K+ với giá 10 triệu USD, cho SCTV gói “thứ bảy không độc quyền” với giá 1,7 triệu USD, cho VCTV với giá khoảng 1,8 triệu USD, cho VTC (chỉ được phát riêng trên hệ HD) với giá gần 300.000 USD.

Như vậy chỉ riêng gói bản quyền EPL, với sự “nồng nhiệt” từ bốn doanh nghiệp có vốn nhà nước của VN, MP&Silva đã thu về 13,8 triệu USD.

Bản quyền truyền hình các chương trình bóng đá mà VN phải mua tăng như vũ bão, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới.

Bản quyền EPL mà VTC mua cách đây ba năm là 1 triệu USD/mùa, cả các trận thứ bảy và chủ nhật, tăng 10% mỗi năm. Như vậy bản quyền EPL các năm 2007, 2008, 2009 lần lượt là 1 triệu, 1,1 triệu và 1,2 triệu, nay tăng lên 10 triệu USD cho ba năm, tăng hơn ba lần. Bản quyền Giải vô địch Đức đã tăng từ 40.000 lên 220.000 USD trong hai năm. Bản quyền Giải vô địch Tây Ban Nha trước đây là 350.000 USD cho ba mùa, nay K+ mua với mức giá 1,5 triệu USD cho ba mùa.

Thuận Hải tổng hợp/vnr500.vietnamnet.vn

Share on Google Plus

About Anonymous

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment


♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.