Nhiều nam giới và cả nữ giới có thói quen buôn với đồng nghiệp những “chuyện kín” của gia đình mình. Họ coi đó như một đề tài thú vị, hứng khởi để tâm sự, xả stress với bạn bè. Nhưng “tiếng bấc đi qua, hòn chì ném lại”, qua nhiều lần đưa đẩy, những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt trong lúc vui miệng lại quay lại gây cho “khổ chủ” không ít những rắc rối, phiền hà.
Vạ từ... miệng mà ra
Trong những lúc rỗi rãi tại văn phòng, Nam (Nhân viên Tập đoàn Điện lực) lại cùng bạn bè đồng nghiệp bàn tán về đủ mọi chuyện trên trời dưới bể: từ chuyện Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên, Nga đang triển khai lá chắn tên lửa cho đến chuyện con anh A bị ốm, vợ anh B sắp đi du học... Dĩ nhiên, một trong những đề tài được cánh mày râu “thích thú” và tham gia có phần hào hứng nhất chính là “chuyện phòng the”.
Là người mau mồm, mau miệng, Nam cũng tham gia rất nhiệt tình vào những câu chuyện không đầu không cuối của cánh nam giới trong văn phòng. Mới lấy vợ chưa đầy nửa năm nên kinh nghiệm “trận mạc” của Nam cũng chưa được nhiều nhặn gì. Thỉnh thoảng, gặp “trục trặc”, được các đồng nghiệp nam cho lời khuyên chính xác, Nam cũng thấy tin tưởng. Dần dần, có chuyện gì xảy ra trong đời sống vợ chồng, cậu cũng đem ra kể cho các bậc đàn anh trong văn phòng.
Điều đó có lẽ cũng là bình thường nếu Nam không nhận thấy dạo gần đây, mọi người hay nhìn mình với vẻ lạ lạ. Thậm chí, nhiều lúc, nhìn thấy cậu đi qua, cánh chị em phụ nữ lại nhìn Nam cười cười đầy ẩn ý. Cậu vừa đi khuất là họ lại túm năm tụm ba bàn tán điều gì đó và rũ ra cười với nhau như thể bắt được chuyện gì hay ho lắm.
Một lần, vào giờ ăn trưa, bác bảo vệ cơ quan vời Nam vào phòng với vẻ bí mật đặc biệt. Rào trước đón sau mãi, bác mới nói vào chủ đề chính: “Cậu Nam ạ, cùng là nam giới với nhau, tôi nói chuyện này cậu đừng ngại. Bệnh của cậu tôi cũng nghe mọi người nói rồi, tôi có thằng em ở Yên Bái có phương thuốc gia truyền chữa bệnh này tốt lắm. Cuối tuần này, tôi về quê, có gì tôi sẽ mang về cho cậu dùng thử”. Nam nghệt hết cả mặt vì không hiểu bác bảo vệ nói gì và bệnh tình nghe rất “khủng khiếp” mà bản thân cậu “mắc phải” đó là bệnh gì. Mãi sau, nghe bác nói, Nam mới tá hỏa lên khi biết cậu bị đồn đoán là bị chứng... bất lực.
Nam mới lấy vợ nên chuyện phòng the đôi khi có thể gặp trục trặc cũng là chuyện thường tình. Chỉ là tán gẫu anh em trong phòng với nhau vậy mà câu chuyện được thổi phồng lên và lan ra đến mức cả bác bảo vệ vốn suốt ngày chỉ ngồi ở cổng cơ quan cũng biết chuyện thì đủ biết “sức mạnh của tin đồn” khủng khiếp đến đâu. Cho dù hoàn toàn khỏe mạnh và “bản lĩnh đàn ông đầy người” nhưng đúng là Nam giờ đây vẫn phải... bất lực với việc dập tắt tin nhảm nhí nhưng không kém phần tai hại kia.
Giống như Nam, chị Trinh (nhà ở ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cũng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười chỉ vì trót... buôn “chuyện kín gia đình” cho mấy chị em đồng nghiệp ở cơ quan.
Có lần, thấy mấy chị em trong phòng buôn bán “dưa lê, dưa bở” về mấy chuyện “bí mật phòng the”, chị cũng vui miệng góp chuyện ông xã nhà mình rất chịu khó “làm mới” bằng nhiều “hình thức” và “không gian” khác lạ. Lối nói ỡm ờ, chung chung của chị khiến nhiều đồng nghiệp trong phòng tò mò muốn tìm hiểu sâu nhưng chị chỉ trả lời qua quýt cho xong vì không muốn “đi vào chi tiết”. Chỉ thế thôi mà chả hiểu thế nào chị Trinh lại bị cả cơ quan đồn đoán là có chồng “bạo hành, hay làm nhiều trò quái dị”.
Tai hại hơn nữa, không biết sao tin đồn này lại đến tai ông xã nhà chị khiến anh giận vợ nhiều ngày liền. Mãi sau đó, chồng chị mới nguôi giận nhưng trước đó cũng đã mắng vợ một trận vì tội “vạch áo cho người xem lưng”.
Chị Hiền (nhà ở ngõ Tiền Phong, Thanh Nhàn, Hà Nội) cũng có kinh nghiệm đau thương vì mấy chuyện “buôn bán” này.
Những lúc rảnh rỗi, các chị em cùng cơ quan lại ngồi thì thào, dò hỏi nhau về đủ thứ chuyện trong đó không thể thiếu đề tài “chuyện ấy”. Bất ngờ, một chị bạn ngẩng lên hỏi: “Một tuần, vợ chồng cậu “sinh hoạt” bao nhiêu lần?”. Đang mải làm quyết toán cho công ty nên chị Hiền trả lời qua quýt cho xong chuyện: “Ờ thì, năm, bảy lần gì đó”. Trả lời xong, chính chị cũng chả nhớ mình đã phát ngôn những gì và dĩ nhiên không thể ngờ câu nói vô thưởng vô phạt đó lại khiến bản thân... lãnh đủ hậu quả.
Chỉ dựa vào một câu trả lời “năm bảy lần” đó mà chị bị nói là “già rồi mà còn “máu me””. Không những thế, những người nhiều chuyện còn đồn đoán việc chồng chị gầy gò, ốm yếu, nhiều bệnh tật là do... bị vợ hành đến kiệt sức. Không cần nói thì ai cũng biết chị Hiền đã phải khổ sở thế nào để có thể thanh minh cho câu nói lúc không chú ý của mình.
Cẩn thận khi nói “chuyện ấy” chỗ đông người
Văn hóa Phương Đông vốn coi “chuyện phòng the” là chuyện bí mật của mỗi gia đình. Chính vì là “bí mật” nên lại càng khơi gợi trí tò mò của nhiều người và khiến họ cố công tìm hiểu, dò hỏi “chuyện nhà người khác”. Khi những “thông tin mật” này được công khai giữa chốn đông người, nó có thể trở thành đề tài bình luận, đánh giá... Nhiều lần đưa đẩy khiến câu chuyện “tam sao thất bản” và có thể bị thổi phồng theo chiều hướng tiêu cực khiến chủ nhân phải dở khóc dở cười. Chính vì vậy, chị em không nên bạ đâu nói đó, kể lể chi tiết chuyện gia đình khi có sự tham gia của nhiều người nếu không muốn trở thành nạn nhân của “ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”.
Phattrienso mời bạn và xem quảng cáo các sản phẩm của adnet.vn
Có chứ, chuyện công sở phải sôi nổi ah em mới biết chứ.
ReplyDelete