Không như các hành trình khám phá dòng sông thường bắt đầu từ hạ nguồn, tôi quyết định xuất phát tại ngã ba biên giới “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” ở xã A Múc Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cột đá chủ quyền Việt Nam sừng sững. Đứng trên triền núi cao nhìn xuống, thấy sông uốn lượn như những dải lụa màu giăng qua núi rừng hùng vĩ.
Người lính biên phòng ở ngã ba biên giới Lũng Pô - Ảnh: Quốc Việt
Nơi hai con sông chảy vào nhau, dòng nước cũng chia thành đôi màu xanh, hồng như tranh vẽ. Nhìn tôi lên thuyền ra giữa sông để vốc được hai vốc nước mang sắc màu khác nhau, anh lính biên phòng mỉm cười: “Có người đến đây chỉ để lấy hai chai nước về làm kỷ niệm”.
Vùng đất linh thiêng
Có lời truyền từ ngàn xưa rằng đây chính là vùng đất thiêng được các sơn thần và thủy thần chọn làm điểm gặp nhau. Từ núi đá chập chùng ở tỉnh Lai Châu, suối lớn Lũng Pô xuôi chảy qua đại ngàn đổ về miền A Múc Sung. Rồi tại nơi này, suối hòa quyện với Hồng Hà bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và nhập thành một sông Hồng huyền thoại chảy vào đất Việt.
Đó là đoạn sông Hồng chảy qua VN (chiều dài của sông Hồng là 1.149km), qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Màu đỏ hồng của sông do phù sa mang lại hơn 100 triệu tấn mỗi năm.
Tôi đã nhiều lần ngắm sông Hồng chia đôi màu ở Hà Khẩu, Lào Cai khi gặp dòng Nậm Thi, nhưng con sông hai màu nước đó còn đẹp hơn nếu chiêm ngưỡng ở miền biên viễn A Múc Sung. 6 giờ sáng, sương núi đọng giọt long lanh trên các vạt cúc dại nở trắng bờ sông. Anh sĩ quan trẻ Trần Văn Duẩn, trưởng trạm biên phòng Lũng Pô, dẫn tôi đón bình minh ở ngã ba biên giới.
Sau đêm mưa rừng, nước dâng cuồn cuộn. Con sông bắt nguồn phía Trung Quốc đục màu hồng phù sa. Dòng suối lớn Lũng Pô từ VN lại nặng màu xanh đậm. Tuy đã chảy vào nhau ở ngã ba biên giới, nhưng đôi dòng vẫn chia rõ màu hồng ở nửa bên sông Trung Quốc và màu xanh đậm phía bờ VN thêm vài kilômet nữa mới nhập còn một màu hồng. Và dù đã cùng một màu, nhưng sông Hồng từ nơi này vẫn chia đôi mình làm biên giới cho hai nước đến tận Hà Khẩu, Lào Cai. Người dân hai nước đứng ven bờ có thể vẫy tay gọi nhau.
Lúc đường dọc bờ sông Hồng bên đất VN chưa hoàn thành, sông này là huyết mạch giao thông và tuần tra của lính biên phòng. Lòng sông nhiều đá, người lái thuyền phải thông thạo luồng lạch. Mùa mưa, thuyền ngược sông còn phải đối mặt với nước lũ dữ dội. Bây giờ, đường bên bờ VN tuy còn xấu nhưng đã thông xe. Nhìn qua bờ Trung Quốc, đường cao tốc xuyên Á cũng gần xong.
Ở ngã ba sông A Múc Sung, cột mốc biên giới tươi màu sơn đỏ. Anh sĩ quan biên phòng dừng lại rất lâu nơi địa đầu Tổ quốc này. Anh dựa súng vào cột mốc, rồi đứng nghiêm thay lễ chào cờ buổi sáng. Anh bồi hồi tâm sự rằng nhiều chiến sĩ đi trước đã đổ máu để gìn giữ nơi sông Hồng chảy vào đất Việt. Tôi lặng lẽ đứng nhìn đài bia liệt sĩ A Múc Sung vẫn không phai mờ tên tuổi những chiến sĩ đã nằm xuống cho Tổ quốc đứng lên. Có chiến sĩ quê tận Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái đã hi sinh ở lứa tuổi đôi mươi. Huyền thoại linh địa xưa không rõ thực hư, nhưng anh lính trẻ tin rằng sự linh thiêng ở ngã ba sông biên giới này chính là máu xương của những người lính vì Tổ quốc.
Buổi bình minh tĩnh lặng chợt bị khuấy động bởi tiếng nô đùa của trẻ em dẫn trâu ra bãi. Bản làng người Dao, Hà Nhì của các em nằm xa xa trên triền núi mờ sương. Ngày ngày, các em dẫn trâu ra ăn cỏ bãi sông và trở thành bạn nhỏ thân thiết của những anh lính biên phòng.
Sức sống nơi đầu sông
Bà con ở bản Lũng Pô đi làm nương về -Ảnh: Quốc Việt
Biết tôi lên ngã ba sông biên giới, người bạn ở thành phố Lào Cai nói đó là “ngã ba buồn hiu” vì chỉ có mấy anh lính biên phòng bên sông Hồng. Buổi chiều, tôi đặt chân đến vùng biên gặp lúc đồng bào dân tộc ở bản Lũng Pô đi rẫy về. Chiều sơn cước bị khuấy động bởi mấy chục gái trai cười nói và tiếng trâu bò về chuồng. Họ ở huyện Mường Khương, đến đây tìm nguồn nước. Bản mới của họ quây quần trên triền núi nhìn thẳng xuống thung lũng xinh đẹp có dòng suối Lũng Pô quyện với sông Hồng.
Vui vẻ mời tôi ly rượu San Lùng đặc sản, anh Lý Seo Sở, 33 tuổi, kể chuyện: “Bản mình ở bên Mường Khương không có nước. Mỗi ngày, phụ nữ phải đi gùi nước suốt buổi sáng vẫn thiếu nước dùng. Ai cũng mừng khi được Nhà nước hỗ trợ 23 triệu đồng để chuyển nhà về nơi ngã ba sông này”. Chỉ tay xuống dòng nước sông Hồng chở nặng phù sa, anh Sở nói nhờ có nguồn nước tốt mà bà con làm nương rẫy không phải dùng phân bón. Tuy mới chuyển về đất mới được vài vụ rẫy, bản làng còn gặp khó khăn, nhưng ai cũng thấy dễ sống hơn quê xưa.
Hôm tôi đến trùng ngày họp chợ phiên Trịnh Tường bên bờ sông Hồng nên nhiều người đang vui. Những cư dân mới nơi đầu sông Hồng thân thiện với khách phương xa. Tôi được mời ghé nhà chơi, thưởng thức thịt hun khói gác bếp, uống rượu San Lùng. Tình thân đã làm một số anh lính trẻ say duyên sơn nữ. Trước hôm tôi lên đây vài ngày, sân đồn biên phòng vui như hội khi dựng rạp, tổ chức đám cưới cho chiến sĩ Bùi Văn Chiến, quê ở Thái Bình, với sơn nữ đồng bào Dao.
Và lúc này, các chiến sĩ ở Lũng Pô cũng đang dựng nhà riêng cho trung úy Duẩn. Anh đã phải lòng và thành duyên với cô giáo bản làng. Biết chuyện vui, đồng bào nhiệt tình đến giúp. Anh Lý Seo Sài đã phụ làm nhà suốt năm ngày nhưng không lấy tiền công. Sài tâm sự: “Mấy anh lính biên phòng ở đầu sông Hồng này rất tốt bụng. Họ vào tận bản giúp bà con cách trồng cây chè, cây dứa và chữa bệnh cho đám trẻ”.
Trăng sơn cước vằng vặc khắp ngã ba biên giới. Đêm đầu tiên nơi sông Hồng chảy vào đất Việt thật khó ngủ, để được nghe giọng người tâm sự hòa cùng tiếng nước cuồn cuộn đổ về.
theo Quốc Việt (Tuổi trẻ)
Hay :D
ReplyDelete