Hot News
Loading...

Việt - Trung: Niềm tin có điều kiện

(theo TuanVietNam) - Ngày 24/8/2009 tại Hà Nội diễn ra cuộc thảo luận về tăng cường niềm tin trong quan hệ Việt-Trung. Trong bối cảnh còn nhiều tồn đọng cần giải quyết giữa hai nước, nhất là những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, cuộc thảo luận này khơi gợi nhiều suy ngẫm.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

 

Ý nghĩa của niềm tin

Có câu: Mất niềm tin là mất tất cả. Điều đó cho thấy niềm tin quý giá biết nhường nào. Và việc gây dựng niềm tin giữa các cá nhân, cộng đồng, dân tộc cần phải được quan tâm và thảo luận đúng mức.

Niềm tin đến từ sự chân thành và trung thực của mỗi bên tham gia gây dựng.

Với mỗi cá nhân, niềm tin vào người khác và gây dựng được niềm tin từ người khác, không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là điều kiện tất yếu để thành đạt. Không có niềm tin từ người khác và vào người khác, mỗi người chỉ là một cá thể nhỏ bé cô độc tách biệt khỏi cộng đồng. Vì thế người xưa đã coi việc gây dựng niềm tin và giữ niềm tin – khái quát qua chữ “Tín”- là một trong những tính cách thường trực và cần phải chăm chút hàng ngày của mỗi người.

Với một quốc gia, niềm tin được coi như một loại vốn xã hội. Vì có niềm tin, xã hội sẽ vận hành tốt hơn, trơn tru hơn, đồng bộ hơn và giảm được nhiều loại đầu tư, nhiều qui trình phức tạp để chứng minh cho sự trung thực của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Các loại tội phạm, lừa đảo, bạo lực cũng sẽ suy giảm vì niềm tin kết nối cá nhân và giúp họ tìm ra giải pháp thông qua đối thoại.

Với sự bang giao giữa các quốc gia, niềm tin lẫn nhau là vốn quí và điều kiện cho việc giao lưu trao đổi văn hóa, thương mại và hợp tác quốc tế được hình thành và tiến hành hiệu quả. Nếu còn những tồn đọng của lịch sử hoặc mâu thuẫn về lợi ích, niềm tin giúp tìm ra giải pháp thông qua đối thoại chứ không phải đối đầu. Niềm tin dẫn đường đến hòa bình, hiểu biết lẫn nhau và tránh xa chiến tranh, xung đột.

Một quốc gia, dù hùng mạnh đến mấy đi chăng nữa, nếu đánh mất niềm tin với cộng đồng quốc tế, thì trước sau gì cũng bị tẩy chay và cô lập.

Không có niềm tin giữa các quốc gia, thế giới chỉ là những mảnh vụn ích kỉ.

Thế giới không bình yên.

Xây dựng niềm tin

Niềm tin quí như vậy. Nhưng niềm tin không từ trên trời rơi xuống. Niềm tin cần được tạo dựng và vun đắp mỗi ngày. Nếu không chăm chút và chủ tâm phá hoại - dù chỉ một đôi lần - niềm tin sẽ chết.
Mọi rao giảng về niềm tin khi đó sẽ trở thành kệch cỡm.

Vậy niềm tin đến từ đâu?

Niềm tin đến từ sự chân thành và trung thực của mỗi bên tham gia gây dựng. Nếu không thật lòng, hạt giống niềm tin - dù được gieo rắc khéo đến mức nào đi chăng nữa - cũng không thể nảy mầm và đâm hoa kết trái.

Nếu không thật lòng, niềm tin – dù được tô vẽ bằng những lời hoa mĩ - sẽ chỉ là sự châm biếm, và trước sau gì cũng sẽ bị lật tẩy.

Niềm tin đến từ sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng nhau không được tuân thủ, niềm tin không tồn tại. Niềm tin khi đó – nếu có hoặc tin rằng có - sẽ trở thành niềm tin mù quáng và sự nhu nhược của kẻ yếu, sự uy hiếp và mưu toan của kẻ mạnh.

Niềm tin trở thành sự bao biện của các âm mưu.

Niềm tin đến từ thiện chí của mỗi bên. Nếu không có thiện chí, xây dựng niềm tin chẳng khác nào xây lâu đài trên cát.

Không có thiện chí, dù cố công đến bao nhiêu đi chăng nữa, niềm tin mong manh – nếu đạt được – sẽ chỉ là hình thức vô hồn.

Vì thế, để xây dựng niềm tin, đòi hỏi thiện chí của cả hai bên. Mà thông thường, thiện chí của kẻ mạnh là điều quyết định.

Nếu một bên xây một bên phá, thì niềm tin không bao giờ đạt được. Mà nếu đạt được, cũng sẽ chỉ là niềm tin giả tạo.

Nhìn ra biển Đông, thấy không phải lúc nào thiện chí gây dựng niềm tin cũng được thể hiện.

Niềm tin còn đến từ sự tuân thủ các nguyên tắc chung. Trong xã hội, đó là đạo đức và luật pháp. Trong bang giao quốc tế, đó là các cam kết và bộ luật mà các bên đã tham gia kí kết.

Nếu không tuân thủ các nguyên tắc chung và không dùng pháp lý làm cơ sở, niềm tin sẽ không bền vững. Niềm tin sẽ trở nên cảm tính, và lung lay dưới tác động của lòng tham.

Nếu không tuân thủ các nguyên tắc chung, lời nói về niềm tin sẽ trở thành ngụy biện, rao giảng về niềm tin sẽ trở thành lố bịch.

Nhưng nhìn ra biển Đông, không phải lúc nào những nguyên tắc chung cũng được tuân thủ.

Chúng ta thành tâm, thiện chí, tôn trọng, bình đẳng và tuân thủ các nguyên tắc chung. Trung Quốc cũng cần phải như vậy. Nếu không, việc gây dựng niềm tin trong quan hệ Việt-Trung sẽ chỉ là ảo tưởng.

Niềm tin có điều kiện

Theo thuyết “phản xạ có điều kiện”, khi một qui trình hoặc điều kiện được lặp đi lặp lại, thì con người nói riêng và sinh vật nói chung hình thành một phản xạ tâm sinh lý tương ứng với qui trình hoặc điều kiện đó.

Niềm tin, suy cho cùng cũng là một phản xạ tâm lý của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Vì thế, niềm tin cũng là một phản xạ có điều kiện.

Điều đó cho thấy, niềm tin sẽ chỉ hình thành trong những điều kiện nhất định và điều kiện đó phải ổn định.

Nếu điều kiện thay đổi liên tục, nay thế này mai thế khác thì niềm tin không thể hình thành. Chẳng thế mà người xưa đã nói: Một lần thất tín vạn sự bất tin.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ Việt –Trung, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền ở biển Đông, cho thấy không phải lúc nào điều kiện này cũng ổn định. Vì thế, niềm tin sẽ rất khó hình thành nếu Trung Quốc không cải thiện tình hình.

Nếu những nền tảng đề hình thành niềm tin bị phá vỡ, điều kiện hình thành niềm tin bị vi phạm, thì gây dựng niềm tin sẽ mãi mãi chỉ là ảo vọng xa vời. Niềm tin mong manh nếu đạt được, sẽ chỉ là hình thức vô hồn.

Niềm tin trân quý. Nhưng không thể là niềm tin mù quáng. Càng không thể là sự bao biện của các âm mưu.

Niềm tin có điều kiện.


•tác giả:  Giáp Văn Dương

Share on Google Plus

About HotNews

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment


♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.