Sức mạnh của lời đồn cũng thật lạ. Thường ngày cả bây giờ lẫn trước kia, tôi vẫn thường xuyên qua lại con phố Kim Mã vì công việc, nhưng chẳng bao giờ tôi để ý tới toà nhà số 300 phố Kim Mã cục mịch ấy.
>> Kỳ1: Những lời đồn "rợn tóc gáy"
Chỉ từ khi nghe đến hai từ "có ma", thì lần nào qua đó, tôi cũng phải đánh mắt một chút, như để cố gắng tìm thêm được thông tin gì, nhân thể ngắm nghía cho... thoả trí tò mò. Và lần này, tôi "lấy can đảm" một mình vào hẳn bên trong tòa nhà...Do thường quan sát thấy có bóng người, đoán là bảo vệ cho toà nhà này. Một buổi sáng chuẩn bị đầy đủ sổ sách, bút, máy ảnh, tôi quyết định sẽ gặp trực tiếp những người bảo vệ của toà nhà để hỏi cho ra nhẽ.
Nhìn từ bên ngoài, đó là một toà nhà rất to, với những bức tường dày tới 40cm với kiểu kiến trúc nửa như cơ quan, nửa như nhà riêng, và lại có cả vẻ giống với... lô cốt kín mít, khác xa so với vẻ nhộn nhịp của những toà nhà, công trình kiến trúc hiện đại nằm kề.
Thấy bên trong vắng vẻ không bóng người, cửa chỉ khép hờ không khoá, tôi liền khẽ đẩy cửa và dắt xe máy vào trong. Vẫn không có tiếng động nào, chỉ rặt tiếng gió thổi vào lá cây rì rào, tôi cố đảo mắt nhìn xung quanh để tìm ngôi miếu thờ giống như... lời đồn cũng chẳng có.
Bỗng có tiếng bước chân và một con chó nhỏ chạy ra, một người đàn ông dáng dấp bảo vệ bước tới gật đầu chào với vẻ thắc mắc. Sau khi nghe tôi trình bày ý định tìm hiểu khu nhà, anh vội vã xua tay: "Giời ạ, tưởng anh là dân xây dựng đến đo đạc chứ là nhà báo thì... thôi thôi, anh làm ơn đi ra ngay khỏi đây, có người biết thì gay lắm". Tôi cố hỏi thêm vài câu về sự thật của những lời đồn, anh ta chỉ cười và nói: "Đúng là thiên hạ đi qua đây đều chỉ trỏ vào ngôi nhà này bảo là nhà ma nhưng làm gì có ma quỷ, thật vớ vẩn. Không hiểu tin đồn từ đâu mà cả trên mạng cũng đầy".
Ngôi nhà này hiện do một đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội quản lý
Thì ra đây là mảnh đất thuộc đại sứ quán nước ngoài chưa sử dụng đến. Tôi buộc lòng rút lui dù phải bỏ lỡ dịp "tham quan" khu nhà.
Đành phải tìm hiểu thêm về khu nhà qua những người dân gần đó. Chị H. bán nước mía trên phố Vạn Bảo chỉ cười ngặt nghẽo khi thấy tôi nói nghe đồn trong toà nhà... có ma: "Chỉ là những lời đồn thổi thôi, hằng ngày vẫn có người ra vào tại đây. Nghe nói đang có đơn vị đến đo đạc thiết kế lại để sắp tới sẽ tiến hành xây dựng đấy".
Bác Q. là một người dân sống lâu năm ở con phố này tỏ ra ngạc nhiên về những lời đồn: "Tôi chưa từng nghe nói về ma và miếu trong này, cũng chưa từng nghe nói có ai chết trong đó. Có thể trước đây khu nhà chưa có điều kiện phục hồi đưa vào sử dụng nên người ta phải thuê bảo vệ, và vì sợ bị người lạ vào quấy phá nên dựng lên những câu chuyện ma. Bản thân bảo vệ họ đã ngủ trong những căn nhà này nhưng nào có thấy gì".
Tôi lại tìm đến UBND phường Kim Mã, nơi toà nhà tọa lạc để tìm thêm thông tin chi tiết. Ông Tạ Thành Dương, Chủ tịch phường cho biết: "Vì thấy khu nhà ở vị trí đẹp, lại để nhiều năm không sử dụng, nên vừa qua phường đã trao đổi với Cục phục vụ Ngoại giao đoàn để tìm hiểu và có công văn trả lời đây". Theo Công văn trả lời của Cục phục vụ Ngoại giao đoàn thì: Khu nhà, đất tại địa chỉ số 300 Kim Mã có diện tích 3.200m2 do đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội quản lý và sử dụng trên cơ sở Hiệp định ký kết ngày 14/12/1982 về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà cần thiết cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước.
Chỉ có một từ "ma" duy nhất mà tôi được chứng kiến có liên quan tới ngôi nhà này là một mảnh giấy nhỏ màu vàng viết tay dán trên tập công văn về khu đất nói trên đề là "Hồ sơ nhà ma", tò mò tôi hỏi ông Cường cán bộ lưu trữ của phường Kim Mã thì ông cười xòa: "À đây là anh em cứ gọi đó là nhà ma vì quen miệng, rồi ghi lên giấy để đánh dấu tập hồ sơ cho dễ tìm. Chứ ngay cả bản thân tôi đã bao giờ được bước chân vào trong đó mà biết, với lại chỉ toàn nghe gọi thế, là do bỏ không lâu ngày mọi người mới gọi thế thôi, chứ ma quỷ gì".
Đến đây thì tôi đã hoàn toàn xác nhận được những lời đồn "nhà ma" vô căn cứ đã được nghe. Chính vì không ai được phép bước vào trong khu nhà và khu nhà nằm giữa thành phố với vẻ tối tối tĩnh mịch tách biệt hẳn với bên ngoài đã khiến cho những lời đồn thổi càng khiến nhiều người tò mò và tin là thật.
Lời đồn xưa nay vẫn vậy, người ta chỉ quan tâm tới đối tượng của tin đồn, chứ hầu hết chẳng ai hơi sức đi xác minh và có cơ hội để xác minh. Và thế là người loan tin đồn có thể tha hồ nhắm vào một mục đích nào đó để thu lợi cho mình, còn đối tượng bị đồn thì chịu thiệt vì "tiếng oan" mà khó có cơ hội thanh minh.
Lại nhớ tới chuyện và cả những thước phim tôi được xem về chuyện "Những ngôi nhà ma ở Đà Lạt". Chẳng biết ma với quỷ có hiện lên hại ai không, chỉ thấy ông bảo vệ ngôi nhà bị đồn có ma cứ hằng ngày đứng ra thu tiền khách vào xem, rồi dẫn đi tham quan từ tầng 1 lên tầng 4, vừa đi vừa giới thiệu khu này có người nhảy lầu, chỗ kia có người thắt cổ, ra sân vườn xem miếu thờ mấy anh chị "ma" rồi quay về. Thế là "con ma" đồn thổi chẳng những không hại ông mà còn giúp ông kiếm khối tiền. Có lẽ ông phải cảm ơn những lời đồn và người loan tin đồn nhiều lắm.
Theo
0 nhận xét :
Post a Comment
♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.