Nguyễn Khắc Cường - người mong muốn làm thay đổi lịch sử hội họa thế giới với trường phái mới: Cây đời vĩ đại.
“Mặc cho dư luận đương thời khen hay chê, tôi vẫn sống và lao động sáng tạo hết mình, dâng trọn cuộc đời mình cho sự phát triển của nền hội hoạ thế giới, mặc cho đời tôi có bán được tranh hay không! Có nổi tiếng hay không!”- (trích website www.art... của Nguyễn Khắc Cường).
Cường nhận lời gặp ngay sau khi tôi hẹn dù đang trên đường từ Thanh Hóa về Hà Nội. Trong một quán cà phê nhỏ trên đường Lạc Trung, người tự nhận "sẽ làm thay đổi hội họa của thế kỷ 21” rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện và lập bập chào tôi.
Mỹ thuật:
Không hùng hồn như những gì đã viết trên website, hình ảnh đầu tiên Cường gieo vào tôi hoàn toàn trái ngược so với hình dung ban đầu. Vẻ bạch diện thư sinh và điệu cười ngạo nghễ biến mất, nhìn bề ngoài Nguyễn Khắc Cường cao, mảnh khảnh, đen đúa và cực kỳ... chân chất.
Gần 2 giờ đồng hồ nói chuyện, dù đã gợi ý sang những chủ đề xoay quanh cuộc sống và hoạt động vẽ tranh của Cường nhưng tôi hoàn toàn thất vọng. Câu chuyện của Cường chỉ tập trung vào việc lý giải ý nghĩa của bức tranh Khát Vọng Hòa Bình, về trường phái Cây đời vĩ đại (như những gì đã viết trên website), không quan tâm đến dư luận nghĩ gì về mình. Cường cũng nói nhiều về mong muốn “con cháu đời sau sẽ nhìn nhận ra “thiên tài” Nguyễn Khắc Cường là người đặt nền móng cho một trường phái hội họa mới ở Việt Nam”.
Đã có lúc muốn tự sát
Sinh năm 1987 trong một gia đình có 2 anh em trai tại thôn Thành Công, xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa, học hết cấp 3, Nguyễn Khắc Cường cũng dự thi Đại học như bao bạn bè cùng trang lứa. Ước mơ ban đầu của chàng trai vùng biển cũng rất đỗi giản dị: Trở thành giáo viên dạy mỹ thuật.
Nguyễn Khắc Cường bên bức Khát vọng Hòa bình được rao bán với giá 10 triệu đô la.
Cường nộp đơn đăng ký thi tuyển vào khoa Sư phạm Mỹ thuật của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật – Thanh Hóa năm 2007, thi 2 môn: Văn + Vẽ x 2. Theo Cường, do "muốn vẽ theo những gì mình thích, không đúng yêu cầu của Hội đồng chấm thi" nên Cường bị trượt ngay từ môn năng khiếu.
Sau khi thi trượt Đại học, Cường từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng và lao đi kiếm kế sinh nhai. Nhà cũng thuộc vào hàng “có của ăn của để” ở làng nhưng vì muốn làm một cái gì đó cho riêng mình nên Cường “tự thân vận động” trên con đường lập nghiệp.
Từ năm 2007 cho đến năm 2009, Nguyễn Khắc Cường lang bạt giữa Hà Nội và TP.HCM làm nghề tự do. Thất bại, bế tắc, không nghề nghiệp, Cường tìm đến hội họa. Tâm sự với tôi, Cường nói đã từng có lúc muốn tự sát.
Ngày 29/3/2009, Cường mở xưởng vẽ tại số 10 - Ngõ 255 - Tổ 40 - Đường Hoàng Mai, Q. Hoàng Mai, Hà Nội và tung lên website những bức vẽ đầu tiên. Gọi là xưởng cho oai chứ có được mục sở thị nơi Cường vẽ tranh mới thấy sự chật chội, túng bấn của “thiên tài”. Căn phòng vỏn vẹn 10 m2 trên một dãy 4-5 căn nhà cấp 4, Cường thuê cùng một vài người bạn vừa ở vừa vẽ tranh. Những bức họa Cường vẽ được dán trên các bức tường, giá vẽ và chiếc laptop có lẽ là vật có giá trị nhất trong căn phòng...
Những lời viết trên website của Nguyễn Khắc Cường quả thật khá to tát, nhưng tình yêu với hội họa là có thật. Không học Đại học, Mỹ thuật cũng chưa bao giờ học qua về vẽ nhưng vì yêu hội họa mà Cường ước mơ “tôi phải làm một cái gì đó cho sự phát triển của nền nghệ thuật Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của nền mỹ thuật thế giới...”
Căn nhà trọ xập xệ nơi Cường nung nấu khát vọng trở thành người ghi danh Việt Nam sáng bừng trên lịch sử hội họa thế giới.
Nghiên cứu hội họa từ khi mới chào đời?
Theo họa sĩ Đào Hải Phong: “Để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật nên xem xét động cơ sáng tác của người vẽ tranh. Có những người làm nghệ thuật chỉ để gây sự chú ý, chóng nổi tiếng nhưng với những họa sĩ chuyên nghiệp họ dùng cả cuộc đời mình để trả giá cho con đường họ đã chọn”.
Ước mơ không bao giờ là xấu cả nhưng để hiện thực hóa ước mơ ấy cần phải có những bước đi đúng hướng. Và sự lựa chọn của Cường nếu nói theo họa sĩ Đào Hải Phong thì quả thực là không chuyên nghiệp. Mong muốn có được sự nổi tiếng bằng những phát ngôn gây sốc, bằng những bức tranh cóp nhặt ý tưởng, Nguyễn Khắc Cường tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực đối với công chúng yêu hội họa.
Phòng trọ cũng là xưởng vẽ của Cường- nơi các bức tường được treo đầy tranh do Cường vẽ và chiếc máy tính xách tay là tài sản có giá trị thực lớn nhất.
Sự mâu thuẫn thể hiện ngay trong lời giới thiệu về “kiệt tác” “Khát vọng hòa bình”. Nguyễn Khắc Cường đã viết lời tựa cho bức tranh: “Nói về tiểu sử nghiên cứu và hình thành tác phẩm này thì thực sự là đã hơn 20 năm rồi” trong khi mới có 22 tuổi, chẳng lẽ Cường nghiên cứu về hội họa từ khi mới sinh ra?
Hoàn cảnh gia đình theo như lời Cường nói là cũng thuộc dạng có “của ăn của để” ở làng, không nghèo khó nhưng trên website Cường lại kể khổ: “Vì hồi nhỏ, gia đình nghèo, không có tiền mua màu nên thay vì dùng màu để vẽ, tôi đã dùng những viên gạch gốm đất nung, vẽ lên bất cứ chỗ nào tôi đi qua”.
Người nghệ sĩ chân chính phải có động cơ thuần nghệ thuật. Scandal không tạo nên tên tuổi cho người họa sĩ.
Nghệ thuật phải đi theo cách riêng và đi được dài, nếu là người dám đeo đuổi ước mơ đến tận cùng, thế giới hội họa sẽ mở ra cho Nguyễn Khắc Cường nhiều lựa chọn để có được thành công.
“Cho đến cuối cuộc đời này, tôi vẫn phát triển và quảng bá trường phái: CÂY ĐỜI VĨ ĐẠI”, liệu Nguyễn Khắc Cường có làm được như những gì đã tuyên bố? Hay chỉ một vài năm những lời tự tán tụng bản thân và trường phái mới sáng lập sẽ tan như bong bóng xà phòng?
phattrien@so theo [Thu Hiền và Kát Anh - VTC]
0 nhận xét :
Post a Comment
♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Bạn có thể nhận xét bằng cách chọnComment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét của bạn cho biết Bạn là ai? Là người như thế nào?.